Sự linh hoạt và khôn lanh của doanh nhân Trung Quốc

0
1780
AgileCRM

Trung Quốc là Quốc gia láng giềng có một quá trình lịch sử liên quan rất sâu sắc đến Việt Nam. Ngày này, nền kinh tế của chúng ta đang phụ thuộc rất lớn vào họ. Mặc dù dân Việt có những ấn tượng không mấy tốt đẹp với người dân “Đại lục” (để phân biệt người Hoa đã định cư ở các Quốc gia khác). Nhưng các doanh dân Việt vẫn luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn với các doanh nhân Trung Quốc. Bởi có nhiều lợi ích khó có thể thay thế khi hợp tác với họ.

Nhưng với những góc nhìn khác nhau sẽ cho thấy những giá trị khác nhau về doanh nhân Trung Quốc. Nếu chúng ta nhìn với góc độ “thâm thúy, khôn lanh” của họ, chúng ta sẽ sợ và không bao giờ sẽ hợp tác với họ. Nhưng nếu ta nhìn ở một góc độ khác chẳng hạn như để đạt một mục tiêu kinh doanh, thì ta hoàn toàn có thể tận dụng sự khôn lanh của họ phục vụ cho mục đích của mình.

Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn sự khôn lanh một cách đáng kinh ngạc của một chủ xưởng sản xuất Mỹ phẩm của người Trung Quốc. Họ có thể làm cho bạn choáng nghợp bởi cách điều động nhân công, vận hành sản xuất nhanh như “tên lửa“.

HÔ BIẾN!

Trung Quốc sản xuất mọi thứ trên đời, và trong quá trình đó, cũng tạo ra đủ mọi mùi có thể tưởng tượng. Khi đi qua nhiều nhà máy của họ, bạn bắt gặp nhiều mùi như thế: mùi khói nồng nặc của những thứ keo dán giày da, mùi đậm đà của những chiếc lọ sứ nung trong lò khí đốt, mùi chua của chất dẻo polypropylene nóng chảy và phun ở nhiệt độ cao… Mỗi quy trình chế tạo là một kinh nghiệm khứu giác riêng, và nếu bạn làm việc trong ngành chế xuất đủ lâu, bạn chỉ cần dùng cái mũi cũng có thể đoán biết mình đang đứng ở nhà máy loại nào.

Sự ô nhiễm nặng tại các nhà máy Trung Quốc

Trong những năm tôi làm việc ở miền nam Trung Quốc, tôi đã viếng thăm một số lượng nhà máy vượt ngoài sức tưởng tượng của mình. Điều khá kỳ lạ là ít khi tôi gặp người chủ xưởng nào có chút mảy may phiền muộn vì các mùi đó, mặc dù chúng tấn công vào các giác quan, có khi mạnh đến choáng váng.

Tại một xưởng chế tạo hôi nồng không chịu nổi, tôi đứng ở cổng với ông chủ, nhìn ra cánh đồng bao trùm trong làn bụi trắng. Sau lưng chúng tôi không xa, các công nhân đang nhúng những ống thép không rỉ vào một bồn hóa chất. Đó là quy trình mạ kền. Tôi thực sự có thể nếm vị kim loại trong miệng, và mũi tôi bất giác nhăn lại.

“Hôi quá”, tôi nói. Ngay khi nói xong, tôi hối hận đã bình phẩm, dù có phần mong mỏi ông chủ xưởng đồng ý.

Ông ném điếu thuốc ra xa và quay về phía tôi rồi nói: “Người ngoại quốc các ông, các ông tới Trung Quốc và than phiền về ô nhiễm, tôi thật tình không hiểu tại sao”. Rồi ông khoát tay về phía phong cảnh xung quanh. “Đối với tôi, chỗ này có mùi tiền”.

Với nhiều người ở Trung Quốc đang mơ ước một cuộc sống tốt đẹp hơn, các luồng gió công nghiệp này tương quan với những cơ hội kinh tế tốt hơn. Còn các ngóc ngách nghèo nàn hơn ở nước này, nơi có mùi vị thơm tho hoặc chẳng có mùi gì cả, thì đó lại là những chỗ chỉ đáng thương hại chứ không có gì đáng mơ ước cả.

Cũng có những xưởng có mùi thơm nồng

Bất kỳ đâu mà công việc giám sát nhà máy đưa tôi tới, tôi luôn chú ý đến những mùi khác nhau, chủ yếu là vì đây là dự án đầu tiên của tôi. Xưởng này sản xuất cái mà người Hoa gọi là hóa phẩm nhật dụng– những sản phẩm tiêu dùng như xà phòng, dầu gội và kem thoa tay.

Xưởng King Chemical nằm ở vùng quê, dưới chân một ngọn đồi lớn. Khi tới xưởng vào một ngày nắng ráo, với mùi thơm của những sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp tràn ngập không khí, tôi nghĩ: Hóa ra một xí nghiệp bóc lột lao động lại có mùi thế này đây. Mùi thơm ngọt ngào như hương hoa được nhận ra lập tức. Bạn ngửi thấy nó ở ngân hàng và tiệm tạp hóa, thực tế là ở bất cứ đâu. Nó là mùi hương phổ biến tạo hương thơm cho xà phòng và dầu gội khắp Hoa Nam.

Xưởng do một phụ nữ nhỏ nhắn, quyến rũ điều hành; chị khăng khăng đòi tôi gọi chị bằng biệt danh Giang Tỉ.

Đó là một cái tên thân mật – Giang là tên, và Tỉ tức là một “bà chị”. Tỉ cho biết chị bắt công nhân gọi như thế vì chị muốn được công nhân xem như một người đáng ngưỡng mộ và kính phục.

Tỉ giải thích rằng chồng chị không thể gặp chúng tôi trong cuộc tham quan này vì ông ta có công việc ở ngoài thành phố. Thay cho ông ta là một đám các quản đốc.

“Đây. Ông phải mặc cái này trước khi chúng ta đi vào trong”. Tỉ đưa cho tôi một áo bờ-lu trắng và những cái bao giày bằng vải, chờ tôi mang vào xong rồi mới tròng một cặp bao lên đôi bốt đen cao gót của chị.

Phải cẩn thận như vậy để giữ vệ sinh môi trường, Tỉ giải thích. Bản thân các nhà chế tạo Trung Quốc thường không quan tâm tới chuyện sạch sẽ, nhưng đây là một doanh nghiệp quan trọng trong công nghiệp chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Vệ sinh cũng là đề tài trong cuộc nói chuyện giữa tôi với Bernie, người đưa tôi đi làm nhiệm vụ bất thường này.

Trước khi chọn công ty này làm nhà cung cấp, Bernie đã thử chế tạo dòng sản phẩm của mình ở một địa điểm khác với kết quả tai hại. Một chuyến hàng lớn đã bị nhiễm khuẩn khiến công ty lỗ nặng. Những chuyện như vậy, ông cảnh cáo, không thể xảy ra nữa.

Các nghi thức chuẩn bị càng tăng thêm sự mong đợi, và tôi nóng lòng bước chân vào trong nhà máy. Qua kính cửa sổ, tôi có thể thấy những gì được chờ đợi. Bên trong có vẻ tất bật, và tôi để ý thấy công nhân trong đó cũng mặc đồ trắng.

Kế đó chúng tôi rửa tay. Các quản đốc đi theo cuộc tham quan này cũng sắp hàng trước một dãy bồn thay phiên nhau rửa tay. Trong chiếc bờ-lu trắng, kỳ cọ lên tới khuỷu tay, trông họ như một toán bác sĩ sắp vào phòng phẫu thuật.

Kỳ cọ xong, tôi bước tới cửa, nhưng một bàn tay đã chặn tôi lại. Người nào đó chụp một chiếc mũ trắng lên đầu tôi. Với một nghi thức cuối cùng, các cánh cửa bật ra và mở rộng cho chúng tôi đi qua.

Xưởng chế tạo hoạt động như một tổ ong, và với tư cách là người không quen với loại hoạt động này, tôi cố gắng tìm hiểu người ta làm việc ra sao. Công nhân đang bận rộn sản xuất một thứ nước thơm xoa tay, tôi thấy vậy, và tôi theo dõi những chai màu hồng xuôi theo dây chuyền sản xuất. Một số công nhân rót đầy các chai, trong khi những người khác hoặc đậy nắp hoặc lau sạch chúng. Tôi yêu cầu được xem kỹ một thành phẩm và được đưa cho một chai lấy từ thùng giấy đã xếp đầy hàng. Chữ in trên chai bằng tiếng Hoa. Công ty này chế tạo sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho thị trường trong nước. Công ty của Bernie sẽ là khách hàng xuất khẩu đầu tiên của nó.

Khi chúng tôi đi theo một dây chuyền sản xuất, những cái đầu vốn đã cúi thấp càng cúi thấp hơn khi chúng tôi tới gần, có thể thấy nhịp độ làm việc đang tăng nhanh. Ở chỗ nào chúng tôi lượn lờ chậm bước, có vẻ như công nhân nín thở. Trong đoàn tham quan này, chẳng ai bận tâm đến chuyện mình đang làm cho công nhân lo lắng, hoặc nếu có thì họ cũng bất cần.

Tôi quan sát một thiếu phụ để tóc ngắn đang lấy một chai ra khỏi băng chuyền. Cô lau chùi cái chai như bị ám ảnh và không để nó đi theo băng chuyền cho tới khi cô có một chai thay thế. Tôi cố tiếp xúc bằng mắt với công nhân, nhưng không ai chịu nhìn tôi. Ngay cả những người bị cuộc tham quan làm rộn ít hơn hình như cũng biết là đang bị quan sát.

Một công nhân vặn nắp chai đang vặn như múa. Kế bên cô là một công nhân có nhiệm vụ sắp chai vào thùng giấy. Thay vì ném chai vào thùng, cô nâng niu từng chai bằng hai tay – gần giống cử chỉ cung kính khi người Hoa đưa danh thiếp.

Người yêu cầu tôi thực hiện cuộc viếng thăm này là một nhà nhập khẩu và chỉ biết là tôi sống ở Trung Quốc. Chúng tôi chỉ tình cờ gặp nhau một lần. Ông ta bất ngờ gọi điện thoại cho tôi và các chỉ thị của ông rất mơ hồ.

“Nhìn kỹ xung quanh”, Bernie nói. Ông muốn tôi lưu ý bất cứ gì có vẻ không bình thường. Khi không thấy gì bất thường lắm, tôi vờ đặt vài câu hỏi.

“Các vị sử dụng bao nhiêu công nhân?” tôi hỏi.

Tỉ gật đầu như thể đó là một câu hỏi chính đáng.

“Hai trăm”, chị ta nói.

Tôi không đếm, nhưng hình như số công nhân xung quanh đâu có nhiều như vậy. “Chừng nào công nhân nghỉ?”, tôi hỏi tiếp. Chị nói rằng họ nghỉ tay để ăn trưa và ăn chiều. Tôi hỏi mỗi tháng họ nghỉ bao nhiêu ngày. Chị nói hầu hết chỉ nghỉ một ngày mỗi cuối tuần.

Không còn câu hỏi nào nữa, tôi bảo chị rằng mình rất có ấn tượng với xưởng sản xuất này. Chị khen tiếng Quan thoại của tôi và nói rằng Bernie đã may mắn khi tìm ra tôi. Chị hy vọng chúng tôi sẽ cộng tác với nhau nhiều hơn sau lần thăm viếng này, và chị đi xa đến mức gợi ý rằng có nhiều điều chị có thể học hỏi từ người như tôi. Dù còn xa lạ với giới sản xuất, tôi đã sống ở Trung Quốc một số năm, và ít nhất cũng đủ cho tôi hiểu tình hình: Khi bạn nói điều tốt đẹp, bạn được khen tặng lại đủ điều.

Nhiều việc trong xưởng được làm bằng tay và, tôi nhận thấy, đôi khi bằng chân. Chúng tôi tới chỗ công nhân bơm kem thoa tay vào chai. Chiếc máy được dựng đứng để người thợ có thể vận hành bằng chiếc cần đạp ở trên sàn. Khi khởi động, đầu phun áp suất rót chế phẩm đầy chai. Nhưng người công nhân ngồi ở chỗ này hình như canh thời gian không giỏi lắm, vì mặt trước đồng phục của chị dính đầy chất kem đó – chắc là do rót không đúng hạn mức.

Tôi dừng lại một lúc và theo dõi sát hơn khi nữ công nhân này rót đầy chai. Hình như cô ta vừa mới được huấn luyện vì có cái gì đó thiếu sót từ cách thực hành. Nó hơn hẳn sự bồn chồn lo lắng, tôi nghĩ. Hình như lần đầu cô ta làm công việc này.

Đúng lúc đó tôi cảm thấy sức ép của một bàn tay trên khuỷu tay tôi. Đó là Tỉ, cho biết rằng đã đến lúc rời đi.

Cử chỉ đó của chị ta hơi vội vàng, tôi nghĩ, nhưng tôi đã hiểu đúng ý nghĩa của nó – ý muốn chấm dứt cuộc thăm viếng. Tôi đã từ một thành phố khác bay tới đây để thăm nhà máy này, và cuộc tham quan chưa kéo dài lắm. Tôi có cảm giác phải chấm dứt quá nhanh một cuộc vui chơi trong công viên giải trí. Tôi vừa bắt đầu có một hình dung về nhà máy này thì cửa ra đã mở và chúng tôi lại đứng trong ánh nắng.

“Chúng tôi sẽ đưa ông tới sân bay”, Tỉ nói.

Rồi Tỉ đưa tôi tới một phòng chờ gần văn phòng của Tỉ, và tôi được mời một cốc trà xanh hòa tan. Sau khi ngồi trong phòng chờ một lúc, tôi tự hỏi người ta có quên tôi không. Công nhân đi tới đi lui, và không ai chú ý tới tôi. Tôi nhìn qua những điều ghi chép được và nhận thấy tôi có rất ít cảm nhận, không có cảm tưởng nào thật sự rõ rệt. Khi có người tới bảo tôi rằng tài xế đến trễ, tôi hiểu điều đó có nghĩa là họ không biết chắc anh ta ở đâu.

Khám phá bất ngờ tại xưởng

Vẫn còn tò mò về nhà máy này, tôi nghĩ tôi có thể quay lại để nhìn nó một lần chót. Thậm chí chắc cũng không ai để ý là tôi đã bỏ đi, và có lẽ có cái gì đó để học lóm bằng cách nhìn những người lao động này khi họ bớt e dè chuyện bị các quản đốc theo dõi.

Nhà máy nằm ngay sau văn phòng, trên một con đường dốc nhỏ. Bên ngoài không có ai và chỉ có tiếng gió thổi nhẹ từ sườn đồi xuống. Đó là một khung cảnh điền viên thanh bình. Tôi nghĩ nếu cuộc viếng thăm nhà máy này biến thành một nhiệm vụ thường xuyên, tôi sẽ không phản đối.

Khi tới xưởng máy, tôi đến bên một cửa sổ và áp mặt vào tấm kính. Bỗng chốc tôi tưởng tôi đã đi lạc.

Tôi có tới nhầm khu nhà không?

Tôi nhìn qua cửa sổ lần nữa. Hình như đúng chỗ rồi, nhưng nhà máy vắng ngắt. Nơi lúc nãy có khoảng 50 hay 60 công nhân, bây giờ chỉ có một ông già với một cây chổi trong tay. Ông thấy tôi đứng ở cửa sổ và đã đi lại cửa cái, như thể để mời tôi vào, nhưng rồi ông suy nghĩ lại, quay lưng, và vội vã đi vào một cánh cửa sau.

Có chuyện quái quỷ gì vậy?

Áp trán gần tấm kính, tôi nhìn xuống đồng hồ tay. Mới hơn ba giờ. Nhà máy Trung Quốc không có truyền thống ngủ trưa, và Tỉ đã nói cả xưởng chỉ nghỉ để ăn trưa rồi để ăn tối.

Tôi nghe tiếng giày lốc cốc trên mặt đường phía sau tôi. Ý định ban đầu vốn hay ho giờ nhanh chóng biến thành một tình huống tế nhị. Hốt nhiên tôi cảm thấy có tội, như thể bị bắt gặp đang làm việc phi pháp, nhúng mũi vào việc không phải của mình.

Tôi biết xin lỗi sao đây, và tôi có thể giải thích như thế nào những gì tôi nhìn thấy – hay đúng ra là những gì tôi không nhìn thấy? Chỉ vì xấu hổ, người ta có thể nổi giận vì việc tôi bỏ đi lung tung.

Tiếng giày đi tới nhanh kêu to hơn cho tới khi tôi không thể làm bộ như không nghe thấy.

Lọc cọc – lọc cọc.

Tôi quay lại, trông chờ chuyện tệ hại nhất. Thay cho một bộ mặt giận dữ, Tỉ đang gượng cười, một nụ cười mở rộng cho tới khi giống như nhăn mặt. Tỉ gần như hết hơi khi tới bên tôi.

“Công nhân đang nghỉ ngơi”, chị nói.

Đó là một kiểu nói kết thúc, như khi ở Mỹ người ta nói mình có việc phải giải quyết. Bạn không được hỏi đó là việc gì. Khái niệm nghỉ ngơi ở Trung Quốc là bất khả xâm phạm, và càng thêm tầm quan trọng khi nói điều đó với người nước ngoài. Người Hoa đã làm việc cực nhọc hàng nghìn năm. Nếu người ta nói họ cần thở lấy sức thì không cần giải thích thêm gì nữa.

“Chúng ta quay lại thôi”, Tỉ nói và lặng lẽ dẫn đường.

Tìm cách giải thích việc vừa xảy ra, tôi cảm thấy như thể vừa xem một màn ảo thuật và thấy một con voi to biến mất. Các công nhân đó đã đi đâu là một bí ẩn. Không thấy họ ở đâu cả và không thể làm gì hơn là dụi mắt và tự hỏi việc đó đã diễn ra như thế nào – hoặc tại sao. Làm thế nào một xưởng chế tạo có thể hoạt động sôi nổi trong một lúc rồi sau đó biến mất?

Cơ hội để hợp tác và đàm phán

Tối đó tôi điện thoại cho Bernie. Tôi e ngại. Nhất định cái trò hô biến này không thể nào xảy ra ở Mỹ, và nói chuyện đó với ông chắc chỉ có thể biến tôi thành một kẻ điên rồ. Ít nhất, việc đó cũng biến tôi thành kẻ mang tin xấu.

Tôi đã quyết định là tôi sẽ tường thuật cuộc thăm viếng nhà máy – nhưng chỉ đại khái thôi. Có những chi tiết khác cũng đáng để cung cấp. Tôi sẽ cho ông ấy biết tất cả về cuộc thăm viếng, nhưng tôi sẽ loại phần cuối cùng ra vì dù sao người ta đâu có giả định là tôi phải nhìn thấy nó.

“Họ có vẻ bận rộn không?”, ông hỏi.

Hóa ra đó là điều duy nhất ông quan tâm trong khi thảo luận – tình trạng bận rộn chung ở công xưởng. Tôi đã quyết định kể cho ông nghe chi tiết về đoạn cuối cuộc hành trình. Ông không chỉ tin những gì đã xảy ra mà còn cười lớn. Chính ông đã tới nhà máy đó mấy tuần trước và đã nghi ngờ rằng một trò tương tự cũng đã được sắp đặt để lừa ông.

Ông không buồn phiền chút nào. Hoàn toàn ngược lại, ông nói rằng những gì tôi báo cáo là tin tốt. Tôi thú thật là mình không hiểu. Những gì diễn ra trong ngày đó làm tôi không yên tâm, và tôi nghĩ: Bất cứ xưởng chế tạo nào sẵn sàng đi xa như vậy để làm ra vẻ bận rộn chắc hẳn đã có sẵn một ít trò bịp bợm nữa.

Nhưng Bernie không nhìn vấn đề theo cách đó. Ông đã hình dung là nếu công ăn việc làm ít như vậy, và họ đã nỗ lực nhiều như vậy, thì điều đó có lợi cho công ty của ông – ông có thể ép giá thành xuống thấp hơn.

Tôi thấy thú vị về cách Bernie nhìn vấn đề khác tôi. Ông thấy rằng nhà máy này đã hành xử đáng khen. Nếu họ có động cơ như vậy, ông cũng có thể hưởng lợi từ sự tập trung hoàn toàn của công ty này, điều đó cũng có nghĩa là chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn. “Hãy cho tôi biết, kho hàng có đầy không?”

“Kho hàng?”

Bernie đã không có yêu cầu đặc biệt về kho hàng trước cuộc thăm viếng của tôi, nhưng đó là một phần của chuyến tham quan. Tôi bảo ông rằng tôi nhớ nó khá trống trải. Ông yêu cầu tôi ước lượng số kiện hàng, và tôi bảo ông rằng chỉ có chừng 50 kiện chứ không thể hơn.

“Tuyệt vời”, ông nói. “Họ sẽ rất cần làm ăn với tôi”.

Bài viết tiếp theo: “Rắc rối là nghề của tôi

(Sách tên gốc: Poorly made in China – An insider’s account of the tactics behind China’s production game – Tác giả: Paul Midler)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here