Mở đầu: Vén màn bí mật những chiến thuật sản xuất “Made in China”

0
1660
AgileCRM

Phải qua một con đường dài lắt léo để đem những hàng hóa mà chúng ta tiêu thụ từ các xưởng ở Trung Quốc đến các kệ hàng tại Hoa Kỳ. Không có bản đồ nào vẽ con đường này; không có quy định nào; các bản hợp đồng và thỏa thuận cũng không thường xuyên được tôn trọng; không có cảnh sát trên con đường cao tốc về thương mại này. Không ngạc nhiên khi kết quả của các thiếu sót mang tính hệ thống như vậy dẫn đến một loạt các vụ bê bối sản xuất. Nào là mê-la-min độc hại trong các sản phẩm sữa, nào là sơn chì trên đồ chơi trẻ em và vô số trường hợp khác đã được ghi nhận trên báo chí toàn cầu. Trong câu chuyện sinh động này, Paul Midler đồng hành với chúng ta trên con đường thương mại quốc tế lắt léo, cho chúng ta thấy những gì đã bị làm sai tại Trung Quốc ngày nay bằng cách đưa chúng ta đến thăm vô số nhà máy ẩn danh. Ông giới thiệu cho chúng ta rất nhiều doanh nhân phương Tây đã đến Trung Quốc bởi sự hấp dẫn của việc thuê ngoài. Trong quá trình này, ông tiết lộ những mối nguy hiểm của một nền kinh tế thiếu minh bạch; ông cho chúng ta thấy người Trung Quốc sắc bén cỡ nào, và quan trọng không kém, người Mỹ lại sẵn lòng cả tin đến mức nào. Đối với tôi, là một chuyên gia Trung Quốc trong hơn ba mươi năm, đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi trên kệ mà trong đó vạch trần đầy những thủ đoạn và tội lỗi sai trái: “Đúng vậy! Thực tế chính là thế đó”.

Midler là một trung gian đi làm thuê, một người môi giới kiếm sống bằng cách kết nối các nhà nhập khẩu Mỹ với các nhà cung cấp Trung Quốc, và ông giám sát việc thực hiện các thỏa thuận nhằm đảm bảo đạt được sự hài lòng giữa hai bên. Các chuyên gia quản lý người Mỹ có rất ít, nếu họ thực sự có, hứng thú đối với các giao dịch tẻ nhạt và không rõ ràng, và do đó vai trò của Midler là người trung gian, đàm phán và kiểm tra là không thể thiếu đối với nhiều người. Qua nhiều năm đàm phán (có vẻ tẻ nhạt) về các sản phẩm như nồi gốm, giàn giáo và đồ nội thất kiến trúc (tôi chỉ liệt kê rất ít trong số các hàng hóa mà ông đã thương thảo, những mặt hàng mà ông đã mô tả trong sách mà thôi), ông đã đạt được hiểu biết sâu sắc về nền kinh tế và xuất khẩu Trung Quốc.

Những hiểu biết của ông đưa chúng ta đến trung tâm của xã hội Trung Quốc theo cách khác lạ; những hiểu biết này là những kho báu thực sự trong cuốn sách của ông. Trung Quốc là nhà của Midler. Ở đó, mà không phải một nơi nào khác, chính là cuộc sống của ông. Ở đó, ông kiếm sống nhờ biết cách khiến mọi việc được hoàn tất, một kỹ năng mà thậm chí các chuyên gia Trung Quốc chuyên nghiệp nhất cũng không có. Những hiểu biết như vậy không bị giới hạn trong một danh mục hàng hóa nào hay bị bó hẹp trong một khu vực bao gồm những sản phẩm nhất định nào cả. Hơn thế, đúng theo bản chất, những hiểu biết đó phải toàn diện. Những thứ hiện hữu trong kinh doanh cũng sẽ hiện hữu trong các lĩnh vực khác của đời sống, từ tình bằng hữu cho đến chính trị.

Vì vậy, chúng ta phải đọc cuốn sách của Midler ở hai cấp độ. Ban đầu, Poorly Made in China có vẻ là một bản kể lể đơn thuần và có chút phiêu lưu về những chuyến đi và những tai nạn bất tận của ông với các thương gia Trung Quốc và các nước khác, mỗi người đều muốn giành phần hơn người khác. Chuyện kể đầu tiên trong sách là dự án của tác giả về sản xuất xà phòng và dầu gội đầu cho chuỗi cửa hàng giảm giá của Mỹ. Có lẽ đó không phải là một câu chuyện hấp dẫn, nhưng nó có những kịch tính như trong một cuốn tiểu thuyết hồi hộp. Người kể cò cưa tới lui, xoay quanh những vấn đề nhỏ trong sản xuất như việc làm mỏng chai nhựa (dùng để đóng gói dầu gội đầu giá rẻ) một cách bí ẩn. Nhà máy trong câu chuyện này đã rất hoang mang vì khách hàng cứ khăng khăng vào những điều cơ bản, chẳng hạn như các đặc tính của sản phẩm phải trước sau như một, không được thay đổi. Trong khi đó, bên phía nhập khẩu Mỹ trong câu chuyện này đã gần như phát điên lên vì lo rằng việc nhập khẩu một thành phần lỗi của sản phẩm có thể khiến ông thua lỗ hàng triệu đô-la vì mất hợp đồng.

Là một hướng dẫn viên du lịch ở Trung Quốc nhiều năm trước, tôi đã trải qua rất nhiều trường hợp về các hành vi vô đạo đức và gây phiền phức, dọc theo dòng sự kiện mà Midler mô tả trong cuốn sách này, thậm chí tôi còn nhận ra chính mình trong những sự việc đó nữa cơ. Sự tương đồng có thể được rút ra từ những thỏa thuận về tài khóa và tiền tệ của chính phủ mà Trung Quốc đã có với các nước khác, và thậm chí từ cả các cuộc đàm phán hiệp ước vốn là một phần của nó. Nếu bạn có những hiểu biết vững chắc như của Midler, nhiều bí ẩn của.

Trung Quốc có thể bị bật mí. Nếu bạn không có những hiểu biết đó, bạn sẽ thấy mình lênh đênh trên biển, nhanh chóng trôi xa khỏi điểm đến mà bạn đã nhắm trong tâm trí.

Ở cấp độ thứ hai, cuốn sách của Midler không hẳn là một cuốn sách kinh doanh về Trung Quốc, mặc dù nó là cuốn phải đọc đối với bất kỳ nhà kinh doanh nào, vì nó là một bản mô tả, chắc chắn là thông qua ngôn ngữ thương mại, chỉ kể về Trung Quốc, với một số hiểu biết khó kiếm về làm thế nào để đi đúng hướng giữa những dòng chảy mơ hồ và đan xen chằng chịt của nước này.

Trong câu chuyện được kể khá nhanh này, chúng ta sẽ gặp một số nhân vật có thật. Giang Tỉ là chủ sở hữu bí ẩn của công ty chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp mà từ đó Bernie, một nhà nhập khẩu người Syria gốc Do Thái từ New York, hy vọng mua được dầu gội và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho các chuỗi cửa hàng giảm giá của Mỹ. Bà là một người phụ nữ Trung Quốc luôn cật lực để đạt thành tựu, và bà có những tham vọng khớp với sự gian xảo của mình. Bà sẵn lòng được hiểu biết, nhưng lại gần như không thể biết rõ. Bà thể hiện sự ranh ma khủng khiếp khi cắt giảm phần lợi nhuận biên vốn đã nhỏ nhoi của Bernie bằng cách đưa ra khoản tăng giá vào phút chót. Khi thỏa thuận sắp được ký, cũng người phụ nữ cứng rắn ấy, người đã theo đuổi một thỏa thuận tàn bạo, giờ đây lại đang giật giật tay áo của Midler và điệu đà nói về mối quan hệ sâu sắc giữa nhà máy của mình và việc kinh doanh của khách hàng.

Sinh viên học về lịch sử Trung Quốc có thể nhớ lại Hội nghị Washington (1920-1921), hội nghị này có mục đích giải quyết một số vấn đề an ninh ở vùng Thái Bình Dương. Đại biểu của Hoa Kỳ ở lại đến nửa đêm với người đồng cấp Trung Quốc, người mà ông xem là một người bạn tốt, và cố gắng để đạt được thỏa hiệp về nhiều vấn đề. Nhưng sau đó ông lại bị người này lên án không thương tiếc trong các phiên họp chung là chủ nghĩa đế quốc hút máu và dối trá. Dù sao thì các cuộc đàm phán cũng đạt được tiến triển và một số hiệp ước khá tốt đẹp đã thực sự được ký kết, nhưng đây là một ví dụ điển hình về hai phương pháp tiếp cận đối lập nhau lại, bằng cách nào đó, có thể cùng tồn tại trong các cuộc đàm phán của Trung Quốc. Midler đã xuất sắc khi tiết lộ những sắc thái văn hóa này, và cuốn sách cung cấp bài học cho tất cả ai phải làm việc với Trung Quốc.

Trong cuốn sách này, chúng tôi gặp rất nhiều doanh nhân Mỹ bị sự tham lam khống chế nhưng lại quá ngây thơ. Đến Trung Quốc, họ không biết gì trừ những điều họ đã nghe, rằng nước này là nơi thảm đỏ đón chào, họ lặp lại vô số những lời sáo rỗng về Trung Quốc hiện đại: nào thìnền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới; rồi tương lai là đây; rồi thì công ty chúng ta phải mở rộng sản xuất ở đây không thì sẽ tiêu tùng, và có lẽ quan trọng nhất là kinh doanh ở Trung Quốc dễ như bỡn. Rốt cuộc thì không cần đối phó với những công đoàn khó chịu, hoặc với các quy định nhà nước; các rào cản đối với hoạt động kinh doanh thì nhỏ xíu đến mức ngạc nhiên. Bạn nói chuyện trực tiếp với các ông chủ, bắt tay, và thế là xong thỏa thuận. Như một phép màu, ca-ta-lô của công ty bạn đột nhiên đầy các loại hàng hóa mới và rẻ đến sững sờ.

Dĩ nhiên, đó chỉ là ảo tưởng, là loại ảo vọng được cả các doanh nhân lẫn các chính trị gia chia sẻ. Tổng thống Richard Nixon và cố vấn của ông Henry Kissinger gần như chẳng biết gì về Trung Quốc, nhưng vẫn giao cho nước này một vai trò trung tâm trong chiến lược ngoại giao của họ. Tất cả dường như đều lần đầu đến Trung Nguyên: người Hoa mê hoặc du khách nước ngoài bằng vẻ tinh tế và những chỉ đạo thực tiễn. Dĩ nhiên, vẫn còn đó những điểm lấn cấn, như khi Nixon giới thiệu với nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông niềm hy vọng về một cái nhìn toàn cảnh của thế giới, không chỉ xem xét các mối quan hệ song phương giữa hai nước họ, mà còn xem xét động lực liên quan đến Ấn Độ, Nhật Bản, Liên Xô và tất cả các quyền lực khác. Mao “vỗ vào mặt” Nixon, nói rằng ý tưởng đó thật nhàm chán và không quan trọng. Những kỳ vọng của hai bên trong các cuộc đàm phán mang tính bước ngoặt này rõ ràng là khác nhau, và các tài liệu ngoại giao thỏa thuận kể từ đó có vẻ mơ hồ, đến mức gần như vô nghĩa. Các mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trở nên phức tạp và căng thẳng như mối quan hệ giữa các nhà nhập khẩu Mỹ và các nhà cung cấp Trung Quốc của họ.

Người Hoa thể hiện kỹ năng phi thường trong việc thao túng nhận thức và cảm xúc của nước ngoài, như chúng ta thấy trong cuốn sách này, và họ cũng chơi trò gây sợ hãi về chuyện đưa ra được những câu hỏi có ý nghĩa. Khi lần đầu đến thăm nhà máy sản xuất dầu gội đầu, Midler trải qua một buổi nói chuyện dông dài về việc phải rửa tay cẩn thận, mặc áo và đội mũ tiệt trùng… trước khi bước vào khu vực sản xuất. Hoàn toàn ấn tượng, có vẻ chuyên nghiệp và tạo cảm giác tự tin. Midler theo bản năng giữ mồm giữ miệng trong chuyến thăm đầu tiên, và sau đó biết được rằng một khi hợp đồng đã ký kết và tiền đã chuyển đi, những nghi lễ này sẽ rơi rụng và không còn hiệu lực. Một phần cuốn sách Midler chính là nhằm nhận ra rằng rất nhiều điều diễn ra ở Trung Quốc là giả tạo. Thông qua một câu chuyện ngụ ngôn về kinh doanh có tính giải trí và giáo dục, Midler cho phép chúng ta thấy được điều đó.

Tôi nhớ có một lần đi cùng một người nguyên là phát ngôn viên của Hạ viện trong một chuyến thăm Trung Quốc. Mặc dù tôi nghĩ rằng mình đã có nhiều trải nghiệm phong phú, tôi đã chưa từng trải qua một dịp nhã nhặn đến công phu như vậy. Xe chở chúng tôi đi trước và theo sau là xe cảnh sát cùng với đèn chớp và còi báo động. Đó là một màn trình diễn vô nghĩa, nhưng nó đã làm được điều kỳ diệu là tôn lên cái tôi của những người trong đoàn tùy tùng bên phía chúng tôi.

Trên đường đi, người ta mở sẵn những cánh cổng được chỉ định đặc biệt trên những phố nhất định, để chúng tôi có thể thấy được những phân khu riêng toàn “hoa đào nở mùa xuân” hoàn hảo, hay Vườn địa đàng chốn Trung Hoa. Đây là những khu phố hoàn hảo mà những người dân Trung Quốc bình thường không thể mơ đến. Nơi này là quyền lợi mà Đảng dành cho tầng lớp thượng lưu. Các bãi cỏ bên trong khu này là hoàn hảo; đài phun nước nhẹ nhàng; phòng mát mẻ, yên tĩnh và thoải mái tương đương với các phòng thuộc loại tốt nhất ở phương Tây. Vị gia chủ dường như biết trước mọi mong muốn của chúng tôi; đồ ăn thì quá sức tuyệt. Tuy nhiên, chúng tôi đã thực sự thấy gì ở Trung Quốc?

Quanh quẩn trong sự đón tiếp như vậy, không ngạc nhiên khi phái đoàn Mỹ đã chứng tỏ mình dễ bảo. Chất vấn là trò đá quả bóng qua lại, mà tất cả chúng tôi – những vị khách – cảm thấy trách nhiệm là không được phá hỏng mọi thứ, khiến các vị gia chủ của chúng tôi xấu mặt. Điểm lấn cấn duy nhất trong chuyến thăm chính thức này là khi tôi đặt một câu hỏi mà tôi nghĩ là thú vị cho ngoại trưởng. Tôi nói Mông Cổ là một thuộc địa của triều Thanh (1644-1912) mà Trung Quốc bây giờ công nhận là một quốc gia độc lập. Đồng thời, Đài Loan, mà nhà Thanh đã cai trị một phần, lại được tranh luận sôi nổi là hoàn toàn thuộc về Trung Quốc ngày nay. Làm sao giải thích mâu thuẫn này?

Vị ngoại trưởng đã nổi giận và bác bỏ câu hỏi của tôi là không đáng trả lời. Tôi cảm thấy một chút tội lỗi vì đã xù lông trong chuyến đi, nhưng rồi tôi nghĩ: Những viên chức cao cấp phải làm gì ngoài việc trả lời các câu hỏi khó? Phần còn lại của nhóm tin rằng tôi đã vượt quá giới hạn cư xử đúng mực, nhưng chắc không phải lỗi lầm gì – vị ngoại trưởng đã hiểu đúng về tôi và sau đó đã cử một đồng nghiệp dành hơn hai tiếng để giải thích các quan điểm chính trị.

Loại sự cố này là điển hình trong rất nhiều cuộc gặp Trung – Mỹ, cho dù vấn đề là về dầu gội rẻ tiền hay an ninh quốc gia. Đoàn đại biểu Mỹ cảm thấy buộc phải hạn chế chất vấn và lòng vòng quanh cái vấn đề họ cần thảo luận. Lịch sự là tốt, nhưng sự thiếu cởi mở hiện hữu có thể đem lại hy vọng gì về mối quan hệ kinh tế và chính trị ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc?

Một trong những khía cạnh đáng lo ngại hơn về cuốn sách này là bằng chứng rằng các công ty không tuân thủ lời hứa của họ. Hợp đồng ở Trung Quốc có thể đàm phán lại vô số lần, ai cũng biết thế. Bên mua người Mỹ mong đợi sản phẩm của họ được sản xuất đúng cách và nhận ra rằng người ta chỉ tuân thủ những chỉ dẫn đại khái. Các nhà sản xuất thực hiện những thay đổi đơn phương đối với hàng hóa mà không thảo luận gì và hy vọng rằng sẽ không ai để ý. Tại một thời điểm trong câu chuyện, sau khi nhà máy dầu gội đầu bất ngờ thay thế rất nhiều loại mùi hương trong hợp đồng bằng hương hạnh nhân chung chung và bị phát hiện, Tỉ chẳng nói gì ngoài việc viện cớ ngây thơ rằng cái mùi hương thay thế dù rẻ hơn nhưng cũng có vẻ thơm mà.

Tôi đã từng cải tạo một phòng tắm trong một ngôi nhà thời Edward bừa bộn ở thành phố Providence, bang Rhode Island. Tôi vẫn cố gắng giữ nguyên các tính năng như hiện trạng ban đầu. Trong đó, tôi đã lắp một bộ gồm vòi tắm và vòi sen bằng đồng thau, với nhãn đen trắng bằng men (“nóng” và “lạnh”). Chúng được sản xuất ở Trung Quốc, và được sao chép một cách đại tài với phong cách chính xác, nhưng tôi ngờ là chỗ có số của nhà cung cấp ống nước Mỹ và Anh bị cạo đi. Chúng hoạt động tốt trong khoảng sáu tháng. Sau đó, chỗ ráp vòi bắt đầu rơi ra, vòi sen rụng rời, các van lỏng lẻo, mọi thứ rã tung. Sản phẩm này đã bị “sản xuất kém chất lượng tại Trung Quốc”. Cuối cùng tôi phải thay vào đó một bộ không có gì đặc sắc, do Mỹ sản xuất vào cuối thế kỷ XX, không đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ của tôi, nhưng ít nhất nó phục vụ tốt việc tắm rửa.

Cuốn sách này không chỉ đơn thuần là về chất lượng kém cỏi của những sản phẩm Trung Quốc. Một trong những chủ đề rộng hơn của sách là về những kẻ đã hứa một đằng làm một nẻo. Đây là một cuốn sách về khả năng gây hoang mang và gian trá của người Hoa. Sách nói về chiêu trò, chiến lược và chiến thuật.

Nó nhắc nhở tôi về nhiều vấn đề quan trọng mà mối quan hệ Mỹ – Trung phải đối mặt, và đặc biệt là nó đã cho tôi nhớ lại năm 1982 và thỏa thuận năm đó của Mỹ về việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Điểm mấu chốt của các cuộc đàm phán sau đó là tuyên bố của Trung Quốc rằng chính sách “cơ bản” của họ đối với Đài Loan vẫn là giữ hòa bình cho hòn đảo này. Phía Mỹ coi đây là tuyên bố từ bỏ vũ lực và đã đồng ý hạn chế bán vũ khí trong tương lai. Nếu phía Mỹ hiểu được tiếng Hoa tốt hơn, họ đã có thể nhận ra rằng, trong tiếng Quan Thoại, một “nguyên tắc cơ bản” thường chỉ để làm tiền đề cho một ngoại lệ. Giống như trong tiếng Pháp en principe, tuyên bố của Trung Quốc mà có chữ “về cơ bản” nên được coi như không có nhiều ý nghĩa, nó chỉ để bóng gió về quy tắc nào sắp bị phá vỡ (do hoàn cảnh đặc biệt, một cách tự nhiên). Và chỉ cần nhìn vào những gì Trung Quốc đã làm. Mặc dù chính sách của quốc gia được cho là hòa bình, việc chế tạo vũ khí của Trung Quốc trong những năm gần đây phát triển chưa từng có về cả quy mô và phạm vi.

Việc dự đoán về một Trung Quốc đang lên có thể là tiêu cực, nhưng đây không nhất thiết phải là một cuốn sách tiêu cực. Midler rõ ràng là có một tình cảm sâu sắc, dù là gián tiếp bày tỏ, đối với Trung Quốc và người Hoa. Không ai có thể đạt được tầm hiểu biết về một nền văn hóa phức tạp như vậy mà không có sự đồng cảm với nơi này. Midler đã sống ở Trung Quốc trong nhiều năm; ông sử dụng tiếng Hoa dễ dàng, và trên thực tế, ông không có quê hương nào khác. Có vẻ như ông cũng chẳng muốn có quê hương nào khác. Với bằng cao học tại một trường kinh doanh ưu tú, ông có thể trở thành một người hoạt động trong lĩnh vực tài chính ở phố Wall. Ông đã dành nhiều năm phát triển sự nghiệp ở Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa sinh; thay vào đó, hẳn là ông đã có thể đóng góp cho khoa học trong cùng thời gian đó. Nhưng ông đã chọn con đường Trung Quốc, và làm vậy, ông đã giúp chúng ta hiểu được nước này, dù chỉ hiểu thêm một chút.

Người ta có thể học hỏi được rất nhiều về cách cả Trung Hoa hoạt động bằng cách làm chủ một phần nhỏ ở nước này, bởi vì các mô hình thể chế và hành vi không thay đổi nhiều dù nơi làm việc của bạn là một tàu du lịch hoặc một nhà máy sản xuất dầu gội và các sản phẩm tương tự. Kiến thức và bản năng là có thể trao và nhận. Đó là lý do tại sao tôi hy vọng cuốn sách này sẽ có độc giả, không chỉ trong cộng đồng doanh nghiệp, mà còn trong cộng đồng ngoại giao, học giả và những người khác đang phải làm việc với Trung Quốc, cũng như là những người bình thường muốn biết thực ra Trung Quốc là gì, ở mức độ cơ bản.

Bài tiếp theo: Các nhà công nghiệp Trung Quốc ranh ma

(Nguồn từ cuốn sách: Poorly made in China – An insider’s account of the tactics behind China’s production game. Tác giả: Paul Midler)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here